Rate this post

Mermade Seafood, một startup trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm tại Jerusalem, Israel đã nhắm vào thị trường sò điệp, phân khúc cao cấp của ngành thuỷ sản toàn cầu trị giá 100 tỷ USD bằng công nghệ nuôi cấy tế bào hoàn toàn mới. Công ty được thành lập vào năm ngoái bởi ông Daniel Einhorn, Giám đốc điều hành và TS. Tomer Halevy, TS. Rotem Kadir, những chuyên gia trong lĩnh vực sinh vật học và nuôi cấy tế bào gốc. Tuần trước, Mermade Seafood đã nhận được 3,3 triệu USD tại vòng gọi vốn “hạt giống” từ các nhà đầu tư OurCrowd, US VC Fall Line Capital và nhà đầu tư Hà Lan Sake Bosch.

Công ty cho biết dự án nói trên sẽ giúp thị trường sò điệp toàn cầu có thêm một sản phẩm mới chất lượng cao hơn, ngon hơn và giá thấp hơn nhiều sò điệp hiện có. Sò điệp tươi là một trong những món ăn đắt đỏ, và giá bán có thể lên đến 15 – 40 USD/pound tại các chợ thuỷ sản tươi sống ở Mỹ. Thu hoạch sò điệp tự nhiên cũng khá bấp bênh, và hầu hết sò điệp trên thị trường hiện nay đều là sản phẩm nuôi.

Sò điệp nhân tạo có giá rẻ hơn sò điệp tự nhiên, nhưng giá trị dinh dưỡng và hương vị vượt trội hơnẢnh: Vegconomist

Trong khi ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm thịt nhân tạo đang trên đà phát triển thì ngành sản xuất thuỷ sản nhân tạo còn non trẻ. Mermade cho biết họ đã phát triển phương pháp mới sử dụng vi tảo nuôi cấy tế bào cần thiết để tạo ra sò điệp nhân tạo. Đây là mô hình sản xuất tuần hoàn dựa theo mô hình nuôi thuỷ canh aquaponics, được Mermade đặt tên “cytoponics” giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời tạo ra sản phẩm sò điệp đạt giá trị dinh dưỡng cao. Hiện công ty đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp bằng sáng chế cho mô hình cytoponics.

Mô hình cytoponics tái sử dụng chất thải sinh học được tạo ra từ sản phẩm nuôi cấy tế bào để làm thức ăn cho tảo, và sau đó lại được sử dụng như môi trường tăng trưởng – một hỗn hợp các chất dinh dưỡng và nhiều chất nền hỗ trợ tăng trưởng của vi sinh vật để nuôi các tế bào.

Công ty cho biết phương pháp sản xuất này không chỉ giới hạn ở thuỷ sản, mà có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng liên quan đến tế bào, gồm dược phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm đầu tiên mà Mermade chú trọng sẽ là sò điệp. Ông Einhorn chia sẻ: “Chúng tôi quyết định tập trung vào sò điệp đầu tiên vì đây là món ăn phổ biến trên thế giới nhưng giá cao và nguồn cung thiếu hụt. Sản xuất sò điệp nhân tạo dễ hơn thịt nhân tạo nên chúng tôi có thể nhanh chóng đưa sản phẩm này ra thị trường”.

Ông Einhorn cho biết thị trường sò điệp toàn cầu trị giá 8 tỷ USD mỗi năm, hơn 600 triệu USD trong đó chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ. Mermade sẽ sử dụng quỹ để thuê thêm các nhà nghiên cứu tế bào gốc và tảo; đồng thời đặt mục tiêu sản xuất quy mô phòng thí nghiệm vào năm 2023. Vài năm tới, thị trường sẽ xuất hiện sò điệp nhân tạo đạt chất lượng cũng như hương vị hơn hẳn sò điệp tự nhiên và giá rẻ hơn nhiều, Einhorn nói. Sau thành công của sò điệp, Mermade sẽ mở rộng sản xuất nhiều loại thuỷ sản khác như mực, tôm và cua bằng công nghệ tế bào gốc.

Mermade là một trong 120 công ty trên toàn thế giới hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuỷ sản nhân tạo. Dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong ngành thuỷ sản toàn cầu, nhưng thị trường thuỷ sản nhân tạo đang phát triển. Theo công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, thị phần của các hãng sản xuất tôm và cá nhân tạo đã tăng 30% từ năm 2017 đến năm 2020. Năm 2021, ít nhất 9 công ty mới thành lập, trong đó có 5 doanh nghiệp Israel gồm Mermade, Wanda Fish, Forsea Foods, Sea2Cell, và E-FISHient Protein.

Nguồn: Dũng Nguyên

( Theo Fisnews – thuysanvietnam.com.vn)