(TSVN) – Theo nhận định của chuyên gia, chi phí vận chuyển, logistics tăng cao suốt 2 năm qua chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, cộng hưởng với xung đột Nga – Ukraine sẽ tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý II và những tháng cuối năm 2022.

Là vùng kinh tế trọng điểm đóng góp vào xuất khẩu cả nước khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây; với tổng chiều dài đường thủy lên tới 15.000 km; nhưng hệ thống logistics ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Hiện, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Thống kê hàng năm, khoảng hơn 70% hàng hóa tại ĐBSCL được vận chuyển bằng đường bộ chủ yếu để đến các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu để xuất khẩu. Những năm qua, hạ tầng đường bộ được xem là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của vùng và nhận được sự quan tâm đầu tư quyết liệt của Chính phủ.

Trong khi đó, giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò then chốt nhưng thiếu đầu tư trầm trọng. Ngân sách đầu tư cho đường thủy nội địa giảm từ 2 – 3% tổng ngân sách đầu tư giao thông giai đoạn 2011 – 2015 xuống còn 1,2% trong giai đoạn 2016 – 2020. Do đó, dù ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển giao thông đường thủy nhưng hiện nay vận tải thủy nội địa chỉ đóng vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô còn rất hạn chế.

Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Quốc tế Long An. Ảnh An Thuận

Để đáp ứng với sự mở rộng và phát triển thị trường xuất nhập khẩu, vùng ĐBSCL có nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics, nhằm hướng đến phục vụ hàng nông, thủy sản của toàn vùng, với những dịch vụ logistics chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng. Cụ thể như dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cũng cảnh báo, bên cạnh yếu tố thuận lợi, thời gian tới xuất khẩu hàng hóa sẽ phải đối mặt khó khăn nhất định; trong đó, đáng lo ngại nhất là chi phí vận chuyển, logistics 2 năm vừa qua do tác động của dịch COVID-19 đã đẩy giá cước vận tải biển tăng 4 – 6 lần, đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đại diện nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng chia sẻ họ đang “đau đầu” vì cước vận chuyển liên tục lập đỉnh mới. Cụ thể, cước vận tải biển đi Mỹ từ mức 3.000 USD/container trước dịch COVID-19 hiện nay đã lên từ 13.000 – 14.000 USD/container đi bờ Tây, còn đi bờ Đông là 17.000 USD/container. Cước tàu đi châu Âu dao động từ 12.000 – 14.000 USD/container. Tương tự, cước tàu đi Trung Đông hiện đã ở mức từ 10.000 – 11.000 USD/container. Đại diện Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cho biết, chi phí đầu vào từ nguyên liệu, phụ liệu, bao bì đều tăng, cộng với chi phí logistics đường biển neo ở mức cao đang là thách thức lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hiện nay. Dù chi phí tăng nhưng doanh nghiệp thực phẩm khó nâng giá bán do đã ký hợp đồng xuất khẩu từ trước và giữ bình ổn giá cho sản phẩm tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì sản xuất để tạo việc làm cho người lao động.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam cho rằng, các địa phương khu vực ĐBSCL, nhất là Cần Thơ cần có quyết tâm hơn trong việc hình thành một trung tâm logistics của vùng. Trong đó, cần có thêm nghiên cứu, đánh giá nhu cầu sử dụng logistics ở khu vực này ở từng mặt hàng cần những dịch vụ cụ thể nào để khi xây dựng trung tâm logistics phù hợp với đặc trưng, nhu cầu những mặt hàng của các địa phương. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng hàng hóa vùng ĐBSCL phục vụ xuất khẩu, ngoài việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải, cần chú trọng đến phát triển hạ tầng các trung tâm kho bãi, các dịch vụ, nguồn nhân lực logistics.

Đối với các đơn vị xuất khẩu nông, thủy sản, bà Hòa khuyến nghị cần quan tâm các phương án dịch vụ logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ logistics cần liên kết với các đơn vị để tạo chuỗi dịch vụ tại ĐBSCL. Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm (ICT, nhân lực…); chú trọng hạ tầng rất quan trọng là hạ tầng hàng không. Từ đó, có thể đưa những mặt hàng ở ĐBSCL để xuất khẩu trực tiếp, thay vì phải vận chuyển hết về TP Hồ Chí Minh; đồng thời, kết nối hạ tầng cho các tuyến luồng hàng hóa để phục vụ cho việc xuất nông sản ở khu vực này cũng như vấn đề nguồn nhân lực cũng như liên kết vùng.

– Hải Lý –
Báo Thủy sản Việt Nam ( thuysanvietnam.com.vn). https://thuysanvietnam.com.vn/ganh-nang-chi-phi-logistics/